Hiện nay, nước ta có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đi tiên phong và rất tâm huyết, sáng tạo trong việc cải tiến, hoàn thiện quy trình, kỹ thuật nhằm phát triển nhanh nghề nghề nuôi yến. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Tiềm năng phát triển nuôi chim yến ở Việt Nam
Theo thông tin mới đây từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện, nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh ở các nước Đông Nam Á, trong đó, Indonesia sản lượng tổ yến chiếm 60% (150.000 nhà yến); 4 nước Việt Nam, Philippines, Campuchia, Myanmar chiếm 13%.
Thực tế, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn. Nhiều tỉnh có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến. Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch các vùng trong nước; đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là tỉnh có ngành nghề yến sào phát triển từ lâu đời.
Nghề nuôi chim đến nay đã được phát triển tại các địa phương trên toàn quốc từ Hải Phòng đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên. Theo thống kê, hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nghề nuôi yến với số lượng khoảng 20.000 nhà yến. Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có nhiều nhà yến nhất, khoảng 2.600 nhà. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD.
Để phát triển ngành nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch chi tiết các tiểu vùng địa phương thuộc các xã, phường thuộc các quận, huyện có điều kiện phát triển ngành này. Trong cả nước hiện có một số địa phương như: TP. HCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Tiền Giang đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến.
Những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Yến Quân… đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn. Người nuôi yến đã được trang bị nhiều kiến thức thực tế cũng như được tập huấn bởi kỹ thuật dẫn dụ và khai thác yến sào. Việc hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yến sào đã được Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm. Bộ NN&PTNT cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm về yến, đồng thời có các chương trình phối hợp giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, chi hội yến sào để quảng bá mạnh mẽ hơn hình ảnh yến sào Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong nhiều năm qua, để hỗ trợ ngành yến phát triển, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chức năng, trong đó có Cục Thú y hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện về nhà nuôi yến, chế biến sao cho phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu và thông lệ quốc tế, giám sát tốt các quy định về an toàn dịch bệnh với nghề nuôi yến.
Phát triển bền vững thương hiệu yến sào Việt Nam
Yến sào là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có cơ hội xuất khẩu tương đối tốt so với nhiều sản phẩm chăn nuôi khác nên đã được đưa vào chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong những năm tới.
Chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá vượt trội hơn so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm yến sào của Việt Nam được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bên cạnh đó, các đơn vị nuôi yến và chế biến sản phẩm yến sào đã có kinh nghiệm, cũng như bí quyết kỹ thuật trong khai thác, sản xuất rất khoa học và hiệu quả.
Với số lượng nhà yến hiện có và hệ thống quy định pháp luật liên quan đến ngành yến được xây dựng dần hoàn thiện, sản lượng yến sào của Việt Nam ước đạt gần 200 tấn/năm đủ để đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Dự kiến, năm 2021 ngành yến có thể đạt được doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng.
Việt Nam có tiềm năng phát triển hơn nữa nghề nuôi chim yến và yến sào Việt Nam đang có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới) nhưng để phát triển bền vững, đạt được hiệu quả kinh tế cao, ngành nuôi chim yến cần được quy hoạch rõ ràng.
Ngay đầu năm 2021, đoàn công tác của Chi hội nhà yến VN (thuộc Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp VN – VFAEA) liên tục có những chuyến công tác tại các tỉnh có lượng nhà yến lớn để chuẩn bị cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), các doanh nghiệp ngành yến có quá trình chuẩn bị hồ sơ rất kỹ, tháng 4-2020 đã nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đánh giá.
Lẽ ra việc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc có thể được thực hiện vào tháng 12-2020 nhưng do tác động của dịch COVID-19 nên hai bên đàm phán đến đầu năm 2021 sẽ tiến hành thủ tục này.
Để yến sào Việt Nam có thể nâng tầm thương hiệu và tạo sức cạnh tranh lớn hơn, phát triển thị trường phải gắn với đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ tổ yến. Việc phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ giữ vai trò quan trọng định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết, làm tiền đề để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả nghề nuôi chim yến. Bên cạnh đó phải thường xuyên tổ chức, giới thiệu, quảng bá thương hiệu qua các hội chợ, triển lãm thương mại trong nước và quốc tế, thường xuyên có hội thảo khoa học phát triển nghề nuôi chim yến.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam đầu tư thêm chuỗi sản xuất yến sào phục vụ xuất khẩu, công nghệ chế biến các sản phẩm từ tổ yến, tăng cường hoạt động quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm yến sào Việt Nam thì ngành yến có thể phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng đầu ra, tiến tới xuất khẩu ra thế giới.
Hà Trần- Thương hiệu công luận