Ông Trương Tiến Triển – Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TPHCM – cho biết, muốn xuất khẩu yến thì phải có mã định danh cơ sở sản xuất. Dù đã có thông tư nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp sản xuất tiếp cận, thực hiện các quy trình kỹ thuật theo quy định.
Lãnh đạo huyện Cần Giờ đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tham mưu UBND TPHCM đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có văn bản hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến để phục vụ việc lập hồ sơ xuất khẩu tổ yến trên địa bàn huyện.
Yến sào là 1 trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Cần Giờ. Hiện toàn huyện có 520 căn nhà nuôi yến; sản lượng thu hoạch từ 14-15 tấn/năm. Chất lượng yến Cần Giờ được đánh giá cao. Huyện đang hướng dẫn 4 chủ thể lập hồ sơ tham gia phân hạng OCOP (chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm) đối với 20 sản phẩm, trong đó có 12 sản phẩm chế biến từ tổ yến.
Theo Sở Công Thương TPHCM, đánh giá bước đầu của các sở, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy, yến sào Cần Giờ là sản phẩm có tiềm năng lớn nhất, phù hợp để thí điểm xây dựng thương hiệu nông đặc sản của thành phố trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM – cho rằng: “Để phát triển chuỗi giá trị yến sào Cần Giờ, việc xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng… là hết sức cần thiết, việc thực hiện tương đối thuận lợi trong điều kiện hiện nay. Đó là cơ sở bền vững để xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu lớn của TPHCM và Việt Nam”.
Theo một số doanh nghiệp, yến sào Việt Nam rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 9/11/2022.
Nguồn: Nguyễn Cẩm – Báo Phụ Nữ Online
Xem thêm: Truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho yến sào