Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang một loại hình kinh tế mới, đó là nghề nuôi chim yến.
Do một vài năm trước, có mấy hộ đã nuôi thí điểm mô hình này thành công và trở nên giàu có. Các hộ nuôi này đã vận động gia đình, bạn bè của mình cùng kiếm tiền bằng nguồn “vàng trắng” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng.
Đi tới nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng như: các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Cát Tiên, thành phố Bảo Lộc… đều thấy có những ngôi nhà cao, hình dáng khá kỳ dị, xây dựng lên để dụ chim yến bay về làm tổ. Nhưng nơi được coi là “rốn” của loài chim yến chính là thị trấn Ma Đa Guôi của huyện Đạ Huoai.
Thị trấn vốn được coi là nghèo nàn nhất tỉnh Lâm Đồng này, bây giờ đã có những hộ gia đình có thu nhập 400- 500 triệu đồng mỗi tháng từ nguồn lợi “từ trên trời rơi xuống” này. Gọi là nghề nuôi yến, nhưng chính xác là làm nhà dụ yến, bởi đây là giống chim hoang dã, chỉ tìm nơi thích hợp làm tổ, còn mỗi ngày bay xa hàng trăm km để kiếm ăn.
Để tận mắt “mục kích sở thị” một ngôi nhà yến, nhóm phóng viên đã phải rất may mắn mới được “ông trùm yến” Nguyễn Văn Võ, 41 tuổi ở thị trấn Ma Đa Guôi mời lên thăm nhà yến của mình.
Nói là may mắn, bởi từ trước đến nay, tất cả các chủ nhà yến đều không cho phép bất cứ người nào ngoài gia đình mình leo lên nhà yến. Bởi, họ sợ giống chim quý này thấy hơi người lạ, sẽ bỏ đi, mang theo cả nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ trước đến nay của gia đình mình.
Sau khi lỉnh khỉnh cõng theo máy móc tác nghiệp, leo lên hàng chục mét bằng chiếc thang gỗ mong manh, phóng viên đã tới được căn phòng tối như bưng, sặc mùi phân yến, là thế giới của loài chim đặc biệt này.
Trong căn phòng diện tích chỉ khoảng 30m2 đó là nơi cư ngụ của hàng ngàn con chim yến, thấy động nên bay loạn xạ như ong vỡ tổ ra ngoài. Trên trần nhà, bám vào những thanh gỗ đóng thành những khoang hình chữ nhật, hàng trăm chiếc tổ màu trắng sữa, khum khum như bụm tay, nhiều tổ có những cặp yến non đang nằm ngủ ngon lành trong đó.
Được biết sau khi cặp chim kia lớn và rời tổ, nhà chủ sẽ thu những chiếc tổ này, làm sạch lông chim bám và bán ra thị trường với giá bán buôn trên 20 triệu đồng/kg. Khoảng 70- 80 tổ sẽ cho trọng lượng 1kg.
Ông Nguyễn Văn Võ cho biết, ông không phải người đầu tiên làm nhà yến ở vùng đất này. Trước đây, yến đã từng vào làm tổ trong nhà thờ, trong những khu nhà công sở, nhưng bị đuổi đi do gây mất vệ sinh. Người đầu tiên làm nhà dụ yến ở thị trấn này thất bại do sai sót kỹ thuật.
Người thứ 2 là nhân vật khá bí ẩn, nghe nói từ tỉnh Đồng Nai, phát hiện vùng đất này là “rốn chim”, nên lên xây nhà dụ yến tới làm tổ và thành công. Nghe nói mỗi tháng người này thu hoạch tới 35- 40kg, và chỉ lên đây để thu hoạch khi có sản phẩm. Cứ mỗi chiều, đàn chim đi kiếm ăn bay về lượn quanh ngôi nhà này nhìn từ xa trông như ong vỡ tổ.
Khi nhận thấy có nguồn lợi này, từ năm 2012, ông Võ đã thuê chuyên gia từ Sài Gòn lên lắp đặt thiết bị trong căn nhà cấp 4 của mình. Nhiều người trong nhà thấy vậy còn tưởng ông có vấn đề gì về thần kinh.
Vậy nhưng chỉ sau hơn 1 năm, căn nhà cấp 4 rộng chừng 100m2 đó đã bắt đầu cho thu nhập vài chục triệu đồng, rồi tăng theo cấp số nhân. Tới lúc này, ông bắt đầu mày mò trên mạng học cách tự lắp thiết bị dẫn dụ yến.
Sau đó, ông xây dựng ngôi nhà thứ 2 rộng 100m2 mỗi tầng, với tầng 1 để gia đình ở, 2 tầng trên nuôi yến, hiện mỗi tháng cho thu nhập 400 triệu đồng. Sau đó, ông Võ tiếp tục xây dựng 2 ngôi nhà nữa trên diện tích đất vườn của mình. Đồng thời, ông vận động mọi người trong gia đình, bạn bè và những người quen biết trên địa bàn thị trấn Ma Đa Guôi và các địa phương lân cận cùng hưởng nguồn lợi từ thiên nhiên này.
Hiện nay, riêng trên địa bàn thị trấn Ma Đa Guôi đã có khoảng 60 hộ xây dựng nhà yến. Anh Trần Vũ Hùng, 24 tuổi, ở tổ dân phố 5, thị trấn Ma Đa Guôi cho biết, anh được ông Võ (là cậu ruột) tư vấn, nên đã đầu tư xây dựng ngôi nhà 3 tầng có diện tích sử dụng 300 m2, tầng 1 để ở, tầng 2 và 3 lắp đặt thiết bị dụ chim yến. Ngôi nhà này chỉ mới phát tín hiệu dụ yến từ sau tết, nay đã có 4 cặp chim làm tổ rồi.
Hiện, ông Võ đang tổ chức thi công, lắp đặt thiết bị các nhà dụ yến cho những người có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nhiều gia đình mới xây nhà yến được khoảng 18 tháng, đã cho thu hoạch mỗi tháng 1kg. Những tháng sau tăng dần lên, do đặc tính chim yến, mỗi năm sinh sản 4 lần, lượng chim vì thế cứ tăng theo cấp số nhân.
Để xây dựng một ngôi nhà dụ yến theo mô hình truyền thống là 3 tầng, mỗi tầng rộng chừng 100m2 đã lắp đầy đủ thiết bị dụ yến, gia chủ cần đầu tư khoảng 900 triệu đồng.
Hệ thống thiết bị dẫn dụ yến gồm các loại gỗ không mùi, lắp đặt làm nơi cho yến làm tổ; hệ thống loa phát tín hiệu âm thanh của chim yến; máy phun sương tạo độ ẩm thích hợp khoảng 70- 80%, nhiệt độ thích hợp 27- 28 độ C…kèm theo các tiêu chuẩn về ánh sáng, thông gió. Nghề nuôi chim yến hiện bắt đầu phát triển và được coi là nguồn lợi lớn, được thiên nhiên ưu ái ban tặng ở một số địa phương của tỉnh Lâm Đồng.
Hiện tại, nghề nuôi yến ở Lâm Đồng vẫn phát triển mang tính tự phát, chưa có kế hoạch định hướng phát triển và quản lý của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ xây dựng nhà yến thường ở những khu vực có mật độ dân cư khá thưa thớt, nên chưa có biểu hiện gây tác động ảnh hưởng tới môi trường sống của những người xung quanh./.
Xem thêm: Phát triển nghề nuôi chim yến
Chu Quốc Hùng/TTXVN