Nghề nuôi yến tại Việt Nam phát triển mạnh, rầm rộ trong khoảng 10 năm trở lại đây, với khoảng 42/63 tỉnh, thành có nuôi loài chim tiền tỷ này. Tuy nhiên, nơi nuôi nhiều chim yến nhất nước ta hiện nay không phải là “thủ phủ“ yến sào Khánh Hoà, mà là tỉnh Kiên Giang.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh, thành có nuôi loài chim được ví là “chim tiền tỷ”: chim yến. Số lượng nhà nuôi chim yến từ 8.300 nhà vào năm 2017 đến năm 2019 đã tăng lên trên 11.750 nhà, gấp gần 1,5 lần.
Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có số lượng nhà nuôi chim yến lớn nhất cả nước, với khoảng 2.500 nhà, kế đến là Bình Thuận 1.200 nhà. Kiên Giang cũng là tỉnh dẫn đầu về phân loại nhà yến xây kiên cố, với tổng số trên 1.000 nhà.
Tỉnh có số lượng nhà yến tăng cao nhất là Khánh Hòa (4,96 lần) và Lâm Đồng (4,63 lần). Trong đó 12 tỉnh có phân loại nhà yến thì nhà yến xây kiên cố chiếm 51,81% (2.507/4.839). Tỉnh có nhà nuôi chim yến kiên cố nhiều nhất là Kiên Giang trên 1.050 nhà.
Ba vùng là đồng bằng sông Cửu Long (13/13 tỉnh), Đông Nam Bộ (6/6 tỉnh) và Nam Trung Bộ (8/8 tỉnh) có 100% số tỉnh có nghề nuôi yến.
Nhiều nhất là khu vực ĐBSCL với 4.769 nhà yến, chiếm 40,6%; tổng diện tích nhà yến là 883.755m2, chiếm 30%, ước tính 3,67 triệu con chim yến, chiếm 36,1%; dự kiến sản lượng tổ yến là 36,778 tấn, chiếm 36% sản lượng tổ yến cả nước.
Tổ yến được ví là “vàng trắng” bởi ngoài giá trị dinh dưỡng cao, đây là loại thực phẩm cực kỳ đắt đỏ, được xếp hạng là 1 trong 10 món ăn đắt nhất thế giới.
Thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị rất cao. Dân gian ví tổ yến là “vàng trắng” bởi ngoài giá trị dinh dưỡng cao thì đây là loại thực phẩm cực kỳ đắt đỏ.
Thậm chí còn được xếp hạng là 1 trong 10 món ăn đắt nhất thế giới. Giá tổ yến loại tốt có thể lên tới 2.000 – 3.000 USD/kg.
Chính vì thế, nghề nuôi chim yến cũng được mệnh danh là nghề “bạc tỷ” bởi nguồn thu nhập khủng từ loại chim trời này có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm nếu dẫn dụ chim yến thành công.
Nhiều tỉnh có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu nhập cao cho người nuôi.
Trong đó, Kiên Giang là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển nghề nuôi chim yến với những lợi thế: Môi trường phù hợp, thức ăn đa dạng, phong phú, thường xuyên, chủ yếu là rầy nâu, rầy xanh, mối, các loại côn trùng bay trong thiên nhiên.
Sản lượng tổ yến thu được mỗi năm tại Kiên Giang khoảng 12.700 kg. Địa bàn nuôi chim yến nhiều nhất là ở thành phố Rạch Giá với 672 hộ nuôi, huyện Hòn Đất cũng có trên 400 hộ nuôi yến.
Giá tổ yến loại tốt có thể lên tới 2.000 – 3.000 USD/kg. Ảnh minh hoạ
Theo Cục Chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam thu hoạch khoảng 120 tấn yến sào, giá trị tương đương 450 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu khoảng 100 – 125 triệu USD. Dự kiến, từ quý I/2021, sản phẩm tổ yến sẽ được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết: Mặc dù tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn song thời gian qua việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu. Ngành yến Việt Nam mới chỉ bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2010, với sản lượng chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến toàn cầu. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến.
Hiện nay nghề nuôi chim yến vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loại chim yến nhà. Do đó dẫn đến tình trạng xây nhà xong nhưng chim yến không về làm tổ, hoặc ở những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim yến chết, thiệt hại rất lớn cho người xây nhà yến.
Nguồn: Dân Việt
Xem thêm: Sớm đưa hoạt động nuôi yến vào quy củ