Còn gần 1 tháng nữa là quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi có hiệu lực, với chế tài này hoạt động nuôi chim yến sẽ sớm đi vào quy củ.
Bình Định là một trong những tỉnh có hoạt động nuôi chim yến phát triển mạnh ở khu vực miền Trung. Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có trên 1.100 nhà nuôi chim yến đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.
Nuôi chim yến từ lâu đã trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Bởi, con giống chim yến không phải mua, nuôi yến không tiêu tốn thức ăn, thu nhập từ nuôi chim yến tựa như tiền từ “trên trời rơi xuống”. Do đó, nhà yến trên địa bàn Bình Định không ngừng mọc lên như nấm, hầu hết là tự phát. Thậm chí, nhiều nhà dân đang ở mà có vài cặp chim yến “vô tình” bay về là lập tức xuất hiện cảnh người và yến cùng chung sống trong 1 ngôi nhà. Yến ở tầng trên, người ở tầng dưới.
Thực trạng trên đã dẫn tới nạn ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường từ chất thải của nhà yến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cộng đồng dân cư. Trong thời gian qua, nhiều hộ dân ở gần nhà yến đã không chịu nổi cảnh “chung sống” với nạn ô nhiễm nói trên nên đã phản ánh đến các cấp chính quyền và ngành chức năng yêu cầu “giải cứu”.
Trước phản ứng của xã hội về nạn nuôi chim yến tràn lan trong khu dân cư gây nhiều hệ lụy, Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động nuôi chim yến và quản lý săn, bẫy chim yến trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4586 ngày 9/12/2019 quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến trong tỉnh.
Theo đó, chính quyền tỉnh này chỉ đạo tạm thời ngừng xây mới, mở rộng, nâng cấp nhà nuôi yến trên địa bàn các phường nội thành TP Quy Nhơn, KV1 và KV2 phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn); toàn bộ diện tích phường Đập Đá, Bình Định (TX An Nhơn) và khu vực thị trấn của các huyện; các khu dân cư tập trung đô thị; các khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết… kể từ ngày ban hành quyết định nói trên. Việc tạm ngừng xây mới, mở rộng, nâng cấp nhà nuôi yến duy trì đến khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến tại các vùng cụ thể.
“Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đang tham mưu Sở NN-PTNT phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo “Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh” theo trình tự quy định để trình UBND tỉnh xem xét và HĐND tỉnh quyết định. Hiện nay, ngành chức năng đang lấy ý kiến góp ý, điều chỉnh, bổ sung của các các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tiếp tục các bước tiếp theo”, ông Diệp thông tin.
Trong bối cảnh chính quyền địa phương và ngành chức năng đang lúng túng trong xử lý việc nuôi chim yến tự phát, bởi trước nay, quy định về quản lý, chế tài nuôi chim yến rất chung chung, khó áp dụng vào thực tiễn thì Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã tháo gỡ vướng mắc. Nghị định 14/2021/NĐ-CP sắp có hiệu lực thi hành sẽ giúp cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến hiệu quả hơn.
“Từ ngày 20/4/2021, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi sẽ có hiệu lực. Nghị định này quy định chế tài xử phạt cụ thể; là cơ sở pháp lý giúp cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.
Theo ông Diệp, Điều 27 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư hoặc cách khu dân cư dưới 300m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm “Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định” hoặc “Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định”.
Đồng thời, Nghị định 14/2021/NĐ-CP còn quy định mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học. Chính phủ quy định, mức phạt trên là đối với cá nhân, còn mức phạt đối với tổ chức vi phạm tăng gấp đôi so với mức phạt đối với cá nhân nói trên.
“Để hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định sẽ phối hợp với Hiệp hội Yến sào Bình Định và các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, các nhà yến tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nuôi chim yến; cụ thể hóa các quy định, phổ biến rộng rãi để các tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật xây nhà nuôi chim yến, xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về nhà yến, đảm bảo theo quy định và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.
Tác giả: Đình Vũ- Báo Nông Nghiệp
Xem thêm: Phát triển nghề nuôi chim yến: Cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao