Chim yến vốn chỉ có thói quen sinh sống, làm tổ trên những vách đá cao ngoài hải đảo hoặc những hang, động ven biển. Thế nhưng, ở Hà Tĩnh, một thanh niên đã mạnh dạn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng làm nhà nuôi chim yến trên núi và đang dụ thành công hàng nghìn con chim yến về sinh sống.
Đó là mô hình nuôi chim yến tại xã Nam Hương (Thạch Hà) của anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1986). Tận mắt chứng kiến ngôi nhà 2 tầng với quy mô sàn hơn 300m2được xây dựng giữa đồng, với những bức tường 2 lớp, cửa ra vào bịt kín. Trên mái nhà, từng đàn yến chao lượn, vào, ra.
Anh Đồng chia sẻ: “Năm 2009, anh tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp TP. HCM và trở về quê hương lập nghiệp. Sau những năm đầu công việc không thuận lợi, anh nghĩ đến việc khởi nghiệp từ nông nghiệp, vận dụng những kiến thức được học để làm giàu. Đi khảo sát, học hỏi nhiều nơi, anh thấy mô hình nuôi chim yến ở các địa phương khác phát triển, cho thu nhập lớn nên nảy sinh ý tưởng nuôi chim yến tại Hà Tĩnh.
“Năm 2018, sau khi đi xem mô hình ở các tỉnh phía nam, tôi thuê chuyên gia về khảo sát vùng yến tại khu vực vùng núi huyện Thạch Hà, kết quả cho thấy chim yến xuất hiện khá nhiều nên mạnh dạn đầu tư kinh phí làm nhà dẫn dụ yến về ở. Để cách âm, cách nhiệt tốt, nhà phải xây dựng 2 lớp tường, ngoài ra là chi phí công nghệ, thanh gỗ làm tổ, công nghệ dẫn dụ … May rằng, mô hình được Trung tâm chuyển giao KHKT&BVCTVN huyện Thạch Hà hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật nuôi.” Anh Đồng nhớ lại.
Anh kể tiếp, mặc dù trước đây, chim yến thường chỉ sinh sống ở các đảo hoặc vùng ven biển nhưng thực tế yến đi kiếm ăn trên địa bàn khá rộng. “Đất lành chim đậu”, Nam Hương là địa phương có nhiều đồi núi và khe suối nên có hệ sinh thái phong phú, trong lành, thu hút nhiều yến về kiếm ăn. Theo một số kinh nghiệm cho thấy, vùng núi cũng có nhiều loại côn trùng – là thức ăn cho chim – nhiều và tốt hơn vùng biển. Đây có thể cũng là nguyên nhân khiến chim yến về đây sinh sống nhiều.
Đến nay, sau hơn 8 tháng hoàn thành xây dựng, đã có khoảng hơn 1.000 con chim yến về đây làm tổ, sinh sản.
“Tuy nhiên, ở năm đầu, tôi chưa thu hoạch mà tạo không gian tự nhiên tiếp tục dẫn dụ chim yến. Bởi với 300m2 sàn, nhà nuôi hiện tại có thể làm chỗ cho 10.000 con yến sinh sống. Đến khoảng giữa năm 2020, tôi mới bắt đầu thu hoạch, dự kiến mỗi tháng cho sản lượng từ 3 – 5 kg, giá thành tổ yến thô hiện nay khoảng 25 triệu đồng/kg. Nếu thuận lợi, doanh thu hàng tháng sẽ có thể lên đến gần trăm triệu đồng – anh Đồng tính toán.
Anh Đồng cũng cho biết thêm: “Nghề nuôi yến cũng gặp không ít khó khăn, dù không phải chăm sóc nhưng để chim sinh sản, làm tổ đòi hỏi những quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt trong việc khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà. Mỗi lần người vào thu hoạch hay thăm nom đều phải xử lý, bởi phát hiện có mùi lạ chim yến sẽ bỏ đi. Nghề nuôi yến cũng cần phải có kiến thức, hiểu tập tính của giống yến cũng như cách phòng thiên địch, bảo vệ đàn yến…
Song, nuôi yến dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng bù lại không tốn tiền mua con giống hay thức ăn; môi trường tự nhiên trong lành nên dễ phát triển. Mặt khác, các địa phương lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa hay Hải Phòng… đã có những mô hình đạt hiệu quả cao nên là cơ sở để tôi quyết tâm đầu tư. Trong khi đó, Hà Tĩnh chưa có mô hình khác nên dễ thu hút chim về làm tổ. Do vậy, hiện tại tôi đang có kế hoạch xây dựng thêm một nhà nuôi yến khác với diện tích, quy mô lớn hơn.”
Dương Chiến – Anh Tấn (báo Hà Tĩnh)
Xem thêm: Lo phát triển nóng nghề nuôi chim trời làm tổ tiền tỷ ở Bình Dương