Một người bạn kể nếu thực khách vào quán nhậu nào trong huyện mà thực đơn có món chim sẻ, dù bị cấm bẫy bắt tiêu thụ, thì 99% là chim yến và món chim sẻ nướng trên dĩa bàn nhậu chục con thì 9 con là chim yến.
Ông chủ tiệm cầm đồ vừa uống cà phê, vừa kể cho tôi nghe với giọng bức xúc trước nạn săn bắt mồi nhử chim yến tuồn vào nhà hàng, quán nhậu mà hậu quả là căn nhà bên dưới làm tiệm cầm đồ, tầng trên cùng làm nơi nuôi yến ở thị trấn phố huyện đang bị hao hụt nhiều cả chim lẫn tổ yến.
“Mấy năm đầu mới mở nhà yến, yến bay “ngộp trời” quanh nhà, giờ còn giỏi lắm một phần ba. Tụi bẫy chim sẻ bán cho quán nhậu giờ đổi nghề sang bắt chim yến dễ dàng hơn, kiểu này nó bắt sạch, yến không kịp sinh sôi, vài năm nữa chắc dẹp tầng nuôi yến”, ông bức xúc.
Nhà nuôi yến của ông chủ tiệm cầm đồ ở một huyện ven biển miền Trung, nơi có điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đã để phát triển nghề nuôi yến cũng như đàn yến. Nghề nuôi chim yến ở đây thu hoạch khá tốt trước năm 2016 nhưng từ 4 năm nay, trong khi đàn nhà yến tăng vọt thì không hiểu sao, nạn bẫy chim yến lại gia tăng khủng khiếp.
Một người bạn của người viết kể nếu thực khách vào quán nhậu nào trong huyện mà thực đơn có món chim sẻ, dù bị cấm bẫy bắt tiêu thụ, thì 99% là chim yến và món chim sẻ nướng trên dĩa bàn nhậu chục con thì 9 con là chim yến.
Một nông dân có kinh nghiệm bẫy chim sẻ, chim mía nay đã giải nghệ, nói với người viết rằng bẫy chim yến dễ hơn nhiều và dân bẫy chim yến cũng dùng thủ thuật là lưới và máy phát ra tiếng như cách các nhà nuôi yến dùng máy phát dẫn dụ chim yến.
“Dân bẫy chim yến dùng lưới sợi rất nhỏ, màu như tàn hình, khó nhìn thấy, có diện tích khoảng 5x 5 met, quấn vào hai cọc tre căng dựng thẳng đứng ở những nơi có nhiều thức ăn là côn trùng như đồng ruộng cho chim yến. Rồi họ dùng máy phát tiếng kêu của chim yến, kèm theo con chim yến mồi đứng giữa lưới. Nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim mồi, chim yến ở nhiều phía lao tới, mắc vào lưới”, người nông dân từng bẫy chim mô tả.
Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên trong lần trả lời phỏng vấn báo Phú Yên gần đây cho biết từ năm 2016 đến nay, việc giăng bẫy bắt chim yến xảy ra khá nhiều, nhất là 2 năm gần đây khi đàn chim sẻ suy giảm mạnh, nhiều người chuyển sang bắt chim yến làm thịt rồi bán vào các nhà hàng, quán nhậu với danh chim sẻ, số ít mang bán sống tại các chợ.
Theo tìm hiểu của người viết, giá chim yến giả danh chim sẻ bán cho các quán nhậu chỉ 1.000-2.000 đồng/con trong khi ông chủ tiệm cầm đồ có nuôi yến trong lúc uống cà phê ví von mỗi con chim yến có giá trị bạc triệu.
Khổ nỗi chim yến là loài có tập tính chung thủy, sống theo cặp. Khi 1 con bị bắt mất thì con còn lại không bắt cặp với con khác mà sẽ chết theo hoặc sống đơn độc cho đến hết vòng đời (vòng đời chim yến là 12 năm). Do vậy trong một cặp chim yến, 1 con bị bắt thì con còn lại sẽ không sinh con và làm tổ. Cùng với đó, nếu chim bố, mẹ bị bắt mất thì chim non trong tổ không được nuôi cũng sẽ chết theo.
Theo Hội Yến sào Phú Yên, nạn giăng bẫy bắt chim yến đã trực tiếp làm suy giảm đáng kể số lượng đàn yến và hội này ước tính sản lượng tổ yến và bầy đàn yến khu vực tỉnh này đã giảm khoảng 40% so với 5 năm trước.
Không chỉ ở Phú Yên, hàng loạt tỉnh ven biển miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, khu vực Tây Nguyên đang có nghề nuôi yến cũng đang trong tình trạng tương tự mà chính quyền hết sức vất vả để đối phó nạn giăng bẫy bắt chim yến bán thịt. Như ở Cam Ranh, Khánh Hòa cũng hình thành nhiều nhóm người ngang nhiên đến gần các khu vực nuôi chim yến của dân, tìm cách bẫy, bắt chim yến và kéo theo là đàn yến của các nhà dân gần đó sụt giảm đàn nghiêm trọng.
Những tưởng chỉ ở miền Trung, khu vực nuôi yến nổi tiếng ở Cần Giờ cũng xảy ra tình trạng này. Người dân phát hiện chim yến bị mắc lưới hàng loạt ở… đầm tôm, có ngày tính cả ngàn con. Khi cơ quan chức năng đến làm việc thì ông chủ đầm tôm viện cớ làm lưới giăng để bảo vệ tôm, chim yến bay dính là chuyện ngẫu nhiên.
Theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), chim yến thuộc bộ yến là động vật hoang dã. Ở nước ta, chim yến được xếp vào nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp.
Tại điểm e, khoản 2, điều 25, Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ quy định chi tiết về Luật chăn nuôi nêu rõ: “Không săn bắt, không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học”. Căn cứ này là cơ sở để hàng loạt chính quyền các tỉnh miền Trung ban bố các chỉ thị cấp bách bảo vệ động vật hoang dã, trong đó nhấn mạnh chim yến.
Còn trên thực tế, mặc dù báo cáo của ngành nông nghiệp liên tục đưa ra những con số nhà yến được dân đầu tư tăng lên trong chục năm qua nhưng trên mạng xã hội, các trang bất động sản, lượng nhà yến rao bán cũng không ít mà trong số đó có nguyên nhân không dẫn dụ được chim yến sau khi xây nhà hoặc đàn yến có xu hướng giảm so với trước.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Xem thêm: Bạc Liêu có gần 1.100 nhà nuôi yến, chủ yếu là tự phát