Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai rộ lên phong trào nuôi chim yến. Tuy tạo thêm thú vui và công ăn việc làm cho những hộ nuôi chim yến song cũng có những hệ lụy xã hội, nhất là về an toàn dịch bệnh vì chim yến là loại chim hoang dã rất dễ mang những loại vi rút cúm gia cầm lây nhiễm sang người và các loại súc vật, động vật khác.
Cơ sở nuôi chim yến ở tổ dân phố 7, P Ia Kring, TP PleikuPhong trào “dẫn dụ chim yến hoang dã vào nhà cao tầng làm tổ”
Qua quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay những cơ sở nuôi chim yến ở trong khu dân cư đông người như: TP Pleiku (đường Nguyễn Tất Thành, đường Trường Chinh thuộc Phù Đổng hoặc bên đường Nguyễn Văn Cừ thuộc tổ dân phố 7, phường Ia Kring…); ngã ba Cheo Reo và thôn Bầu Zút thuộc thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê; các tổ dân phố thuộc thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai; ở thôn Đồng Tâm, xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông… đều mang tính tự phát theo phong trào, chăn nuôi theo kiểu lắp đặt hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến hoang dã vào nhà cao tầng làm tổ ở nên độ rủi ro khá cao, chưa kể mặt trái của hoạt động này là gây ra những khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước; ảnh hưởng đến tiếng ồn, trật tự, vệ sinh môi trường.
Nhiều người đang làm nghề nuôi chim yến lâu năm thường ví nghề này là nghề mạo hiểm, nghề đánh bạc với trời đất… Anh Hoàng Tuấn (tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) : trong khi giá các mặt hàng nông sản giảm sâu, giá trị các vật nuôi bấp bênh qua nhiều năm thì nghe thông tin các sản phẩm từ chim yến tự nhiên rất cao nên nhiều hộ ở thị trấn Ia Kha đã tự đi tìm hiểu, bảo nhau đầu tư xây nhà cao tầng nuôi chim yến. Riêng gia đình anh Tuấn, qua 02 năm gây nuôi mới có đàn chim yến khoảng hơn 300 con và đã có thu một ít tổ yến để sử dụng trong nhà, chưa có các sản phẩm bán ra ngoài.
Tuy vậy, anh Tuấn đang quan ngại đàn chim yến phát triển sẽ gây ra nhiều tiếng ồn, làm rơi vãi lông chim, phân chim sang các nhà ở lận cận, dễ làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Nếu đàn chim yến phát triển hơn nữa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình Tuấn sẽ đầu tư xây cất nhà nuôi chim yến mới ra hẳn ngoài khu dân cư, đảm bảo môi trường sinh thái, không vi phạm pháp luật.
Tăng cường tuyên truyền, quản lý để phòng dịch bệnh
Trước những vấn đề của việc nuôi chim yến tự phát trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị các địa phương triển khai thực hiện theo các Công văn của Sở về việc hướng dẫn tạm thời quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các cơ sở nuôi chim yến phải có trách nhiệm đăng ký hoạt động theo những quy định tại Nghị định số 66/2016/NĐ-CP (ngày 01/7/2016) của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm; xây dựng cơ sở nuôi chim yến phải đảm bảo môi trường an toàn, sử dụng các thiết bị âm thanh dẫn dụ chim yến không vượt quá 70 đề xi ben A, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của chim yến, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhà nuôi và xử lý các chất thải theo đúng các quy định…
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Hồng Quang – Trưởng phòng Kinh tế TP Pleiku thừa nhận: “Thời gian gần đây, rất nhiều gia đình ở các phường, xã đã đầu tư tiền tỷ nuôi chim yến tự nhiên, nhưng giá cả, thu nhập thì chưa ai nắm hết, chỉ thấy nhiều người ở gần cơ sở nuôi chim yến than phiền tiếng ồn, vệ sinh, an toàn và lo ngại về loại chim hoang dã này có thể lây nhiễm dịch bệnh như các vùng miền khác. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát triển bền vững nên nuôi chim yến ở những vùng có không gian rộng, có khí hậu trong lành, có nhiều thức ăn cho loại chim này; không nên nuôi nó trong khu dân cư, dễ phát sinh những mặt trái của vấn đề”.
Những quy định của Nhà nước đã ban hành, đã có hiệu lực pháp luật và các cấp, các ngành cũng đã hướng dẫn mọi người thực hiện; nhưng thực tế công tác quản lý các hoạt động chăn nuôi, công tác kiểm tra vệ sinh thú y và công tác phòng, chống các loại dịch bệnh tại các cơ sở nuôi chim yến còn rất nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Ông Đặng Văn Linh – Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Sở vẫn chưa có danh sách đầy đủ những hộ đăng ký nuôi chim yến trên địa bàn. Tuy vậy, trong các cuộc họp, lãnh đạo Sở vẫn luôn quán triệt việc tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý các cơ sở chăn nuôi chim yến hoang dã, chủ động-phòng chống các loại dịch bệnh, tránh những hậu quả xã hội có thể xảy ra.
Theo: Xaluan.com
Xem thêm: Mất ăn, mất ngủ vì chim yến