Tại đại hội thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam (SFA) tổ chức mới đây ở TPHCM, nhiều vấn đề được đặt ra đòi hỏi SFA với vai trò là tổ chức ngành nghề cần tập hợp được nguồn lực, chung tay cùng giải quyết giúp cho nghề nuôi yến có thể phát triển một cách vững chắc.
Công đoạn sau thu hoạch, làm sạch tổ yến tại Trung tâm Chế biến yến sào Việt Linh (huyện Cần Giờ) Ảnh: PHIÊU NHIÊN
Việc dẫn dụ yến vào nhà làm tổ đã trở thành một nghề đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nhà khoa học hàng đầu và uy tín nghiên cứu về yến nhà, đã lo ngại nhắc nhở: Cần tính đến sự cân bằng sinh học giữa đàn yến, nguồn thức ăn và nhà yến, để hạn chế tình trạng thất bại. Thông tin về các trường hợp thành công đã làm cho nhiều người tuy chưa hiểu biết nhiều về yến mà chỉ có năng lực tài chính cũng lao vào tìm nơi xây nhà yến. Trong thực tế, người thất bại không phải là số ít, nếu không nói là khá cao. Nhiều người đã phải ngậm đắng khi bỏ tiền tỷ ra xây nhà dẫn dụ mà yến không vào, thậm chí yến vào ở một thời gian lại vỗ cánh ra đi (!?). Nghề nuôi yến không đơn giản chỉ là việc xây nhà rồi dùng loa phát ra âm thanh dẫn dụ yến vào, mà đây là một nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp đa ngành. Cần có sự am hiểu về hệ sinh thái môi trường, sự cân bằng sinh học, hiểu biết về loài yến cũng như về kỹ thuật xây dựng nhà và kỹ thuật dẫn dụ. Không thể cứ có khả năng về vốn, mời nhà tư vấn kỹ thuật và xây dựng thi công là xong. Điều đáng nói, không phải nhà tư vấn kỹ thuật nào cũng am hiểu tường tận, đặt chữ tâm lên hàng đầu và có cùng trách nhiệm nếu việc xây nhà và dẫn dụ yến bị thất bại.
Một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là việc đảm bảo chất lượng tổ yến. Về cơ bản, tổ yến là sạch và an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yến sào Sài Gòn Anpha (TPHCM), cho biết hiện nay, ngoài phương pháp dẫn dụ tự nhiên là các chất từ mùi tổ yến, chất thải từ đàn yến thải ra, các chất dẫn dụ nhập nội, một số người còn sử dụng chất tạo mùi hóa học để thay thế. Điều quan ngại khác là tình trạng quản lý chất lượng sau thu hoạch tổ yến. Việc làm sạch phân chim, làm trắng tổ yến cần có sự kiểm soát và quản lý của cơ quan chuyên môn, để loại trừ tình trạng sử dụng hóa chất. Kỹ thuật xây dựng nhà yến như thế nào để phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam cũng là điều nên tiếp tục khảo sát để tổng kết. Ngoài ra còn phải giải quyết các vấn đề: Mối quan hệ giữa người nuôi và người không nuôi yến, khi âm thanh dẫn dụ phát ra làm cho không ít người khó chịu, nhất là các nhà yến trong nội thành; vùng nuôi như thế nào là phù hợp, nuôi rải rác hay quy hoạch tập trung; nhà yến trong nội thành giải quyết ra sao; mối quan hệ với các ngành nông nghiệp khác…
Những vấn đề trên đòi hỏi ngành yến, trong đó có vai trò quan trọng của SFA với tư cách là một hiệp hội ngành nghề, cùng bắt tay vào giải quyết. Để có thể phát huy khả năng của cộng đồng, SFA cần tập hợp được các nhà nuôi yến thành công, các doanh nghiệp thu họach hàng tấn/năm trở lên, các doanh nghiệp chế biến tổ yến, có hệ thống tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng đầu, đã có thương hiệu trên thị trường, cùng bắt tay vào làm vì một thương hiệu yến sào Việt Nam!.
CÔNG PHIÊN
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay trên thế giới có 3 quốc gia nuôi chim yến nhiều gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia với sản lượng 450 tấn tổ yến, chiếm 87% sản lượng yến thế giới. Riêng Việt Nam, Philippines, Campuchia và Myanma lượng tổ yến chiếm 13%. Theo các chuyên gia, năm 2018, Việt Nam sản xuất khoảng 100 tấn yến, với 80% xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand. Hiện cả nước có 42 tỉnh TP có nghề nuôi chim yến, với trên 11.750 nhà yến, tăng 1,4 lần so với năm 2017, hơn 8.300 nhà yến. Hai tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa có số lượng nhà yến lớn nhất, chiếm gần 30% nhà yến cả nước. Cơ hội phát triển ngành yến, tổ yến có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. khoảng 1.500 – 2.000 đô la Mỹ/kg tổ yến. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tổ yến hiện khoảng 100 -125 triệu đô la Mỹ một năm. Hiện một số doanh nghiệp cùng ngành nông nghiệp đang đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu tổ yến sang thị trường này. Trung Quốc hiện nhập khẩu gần 90 tấn tổ yến chủ yếu từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Dự kiến năm 2020 sẽ nhập khẩu tổ yến từ việt Nam. Trung Quốc có yêu cầu về một số chỉ tiêu chất lượng yến sào như lượng Nitrit, vi khuẩn bệnh, chất ô nhiễm, thuốc bảo vệ thực vật, độ tinh khiết, độ ẩm, độ đạm... tổ yến sẽ được phân thành 3 loại, đặc biệt, loại 1 và 2... Mọi việc đã và đang được chuẩn bị, bà Đỗ Tú Quân, Giám đốc Công ty Yên Quân, Chi hội Nhà Yến Việt Nam cho biết: ”Nếu nông dân ngành yến liên kết tốt, chúng ta không bị cảnh 'được mùa mất giá', cũng không phải “té” như Malaysia, họ xây rất nhiều nhà yến nhưng họ không xuất được chính ngạch qua Trung Quốc và giá cả bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng khi Trung Quốc 'siết' tiểu ngạch. Vậy cho nên cơ hội của chúng ta, có thể kiếm về cho đất nước khoảng 6.000 tỷ từ ngành yến nhưng nếu như tính hiệu quả không tốt, một nhà thu được chỉ 2kg tổ yến thì chúng ta đang lãng phí 10.000 tỷ. Vậy nên để tận dụng cơ hội và tránh thách thức, chúng ta nên liên kết lại với nhau". Một số tồn tại, hạn chế nghề nuôi yến hiện nay như chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, nhà nuôi xen lẫn khu dân cư chiếm 90%, chi phí xây nhà yến từ 1-6 tỷ đồng, kỹ thuật nuôi chim yến, quản lý điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh. Tại Việt Nam, đòi hỏi phải liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý nghề nuôi yến, ô nhiễm môi trường.